Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(QT) - Để có vốn đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước, tích luỹ ngày càng cao, khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị luôn luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo và bám sát chủ trương của Đảng là phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững. Trong đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất được quan ...

Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

(QT) - Để có vốn đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước, tích luỹ ngày càng cao, khắc phục tình trạng công nghệ lạc hậu, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị luôn luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo và bám sát chủ trương của Đảng là phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững. Trong đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất được quan tâm chú ý và tạo điều kiện thuận lợi để nguồn vốn này dễ dàng đi vào nền kinh tế tỉnh Quảng Trị. Tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (12/1987) tới 31/12/2005 toàn tỉnh chỉ có 4 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư 14,7 triệu USD được đăng ký. Tiếp sau gần 4 năm, kể từ khi Luật Đầu tư năm 2005 có hiệu lực đi vào cuộc sống toàn tỉnh có thêm 3 dự án đầu tư FDI được triển khai thực hiện, nâng tổng số dự án đầu tư FDI lên 7 dự án với tổng số vốn là 23,1 triệu USD. Đây là những con số khiêm tốn nhưng cực kỳ có ý nghĩa đối với quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh nghèo, không chỉ vì nó góp phần nâng tổng vốn đầu tư xã hội mà đây còn là nhân tố thúc đẩy sự phát triển công nghệ sản xuất, sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện quá trình công nghiệp hoá và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực lao động, đất đai, tài nguyên, vốn ...của địa phương. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chưa cao. Mặc dù mấy năm gần đây, tỷ lệ các doanh nghiệp có lãi đã có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với mong muốn và tiềm năng của nền kinh tế. Tình trạng này phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư đang đầu tư và sẽ làm nhụt chí những nhà đầu tư đang kiếm tìm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính sau: Trước hết, tiếp tục xem xét, điều chỉnh và cải thiện các chính sách đầu tư, hoạt động kinh doanh và hỗ trợ đầu tư với mục đích đưa ra các sáng kiến cho một số ngành công nghiệp. Hiện nay, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 8/6/2009 quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, đồng thời Chính phủ cũng có Công văn số 8314/VPCP-KTN chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, hỗ trợ UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án và tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại địa phương. Đây là cơ hội và thời cơ để tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh và cải thiện chính sách đầu tư và hoạt động kinh doanh trên cơ sở lợi thế của tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương nhằm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển những sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Thực tiễn đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn đầu tư ở những khu vực, những quốc gia, những địa phương có sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện đầy đủ các cam kết của mình với độ tin cậy cao. Thứ đến, cần sớm có những bước đi nhanh, cụ thể để công bố các kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đồng thời xem xét và công bố về mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2010 để huy động các nguồn vốn cho việc hoàn thiện các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề và sớm triển khai xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thuỷ, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Tỉnh cần xây dựng kế hoạch và quy hoạch tổng thể về đầu tư của tỉnh, trên từng khu vực và địa phương, từng ngành. Công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống thông tin xúc tiến đầu tư gắn với chương trình đầu tư và các đối tác cụ thể. Trong định hướng về thu hút sử dụng vốn FDI theo ngành và lĩnh vực cần khuyến khích mạnh mẽ việc thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, công nghiệp vật liệu xây dựng và hướng đến công nghiệp cơ khí, điện tử, dầu khí, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại, tạo thêm nhiều việc làm, khai thác ưu thế về tài nguyên, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời, cần có sự khuyến khích và có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với các dự án chế biến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Ưu tiên hợp lý các dự án FDI vào các vùng và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin kinh tế, hệ thống thông tin xúc tiến đầu tư phù hợp với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế, phù hợp với từng thành phần kinh tế, từng đối tác đầu tư. Việc xúc tiến kêu gọi vốn đầu tư phải phù hợp với từng đối tác, với từng đối tượng đầu tư nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong gọi vốn. Bên cạnh công tác tạo lập môi trường đầu tư và cụ thể hoá kế hoạch đầu tư, kế hoạch phát triển thì công tác đào tạo kỹ năng cho cán bộ công chức liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng hiện đại cần phải được quan tâm. Tỉnh cần chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của cách mạng khoa học - công nghệ và của các doanh nghiệp FDI. Đối với cán bộ quản lý cần chú trọng đào tạo cả kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ lẫn phẩm chất đạo đức. Việc nắm vững các kiến thức về luật pháp quốc tế, về thương trường thế giới cũng cần được lưu tâm. Việc đào tạo và đào tạo lại công nhân kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư nước ngoài là rất cấp thiết nhằm giải quyết tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ. Cuối cùng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cải cách hành chính có liên quan chặt chẽ đến việc lành mạnh hoá môi trường đầu tư, giảm các thủ tục phiền hà của hệ thống hành chính với quá trình đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn. Cần thực hiện việc đơn giản hoá các thủ tục cấp phép đầu tư, công khai hoá và minh bạch hoá quá trình cấp phép, giải quyết các thủ tục hành chính; kiên quyết xử lý những trường hợp sách nhiễu, vô trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan công quyền. Cần thực hiện tốt sự kết hợp giữa việc chỉ đạo tập trung, thống nhất và kiên quyết của UBND tỉnh với việc chấp hành nghiêm túc, đúng pháp luật của các sở, ban ngành, các huyện, thị, thành phố. Rà soát và kiên quyết xử lý những văn bản dưới luật của các địa phương ban hành trái với quy định chung của Nhà nước. Quán triệt nguyên tắc “một cửa, một dấu”; đồng thời, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, phân tán, kém hiệu quả của cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan tham mưu trong hoạt động cấp giấy phép đầu tư phải thường xuyên rà soát, phân loại các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư để có những biện pháp thích hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh, trong phạm vi thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp quản lý và động viên kịp thời, sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp về đầu vào, thị trường tiêu thụ, thuế để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, các cơ quan quản lý cần cùng các đơn vị tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục nhập máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đối với những dự án chưa triển khai, nhưng xét thấy vẫn có khả năng thực hiện, cần thúc đẩy việc triển khai dự án trong một thời gian nhất định; đồng thời, giải quyết các vướng mắc, kể cả việc điều chỉnh mục tiêu và quy mô hoạt động của dự án. Đối với các dự án chưa triển khai hoặc không có khả năng hoạt động cần kiên quyết thu hồi giấy phép, dành địa điểm cho các nhà đầu tư khác. Đồng thời các cơ quan chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng trong quá trình cấp phép và giám sát các dự án đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm các dự án này được thực hiện một cách hiệu quả. Lê Thế Quảng