(QT) - Cà phê là cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa. Trong năm 2018, sản xuất cà phê gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, dịch bệnh xảy ra… làm cho năng suất, sản lượng giảm. Sau vụ 2018 mất mùa, rớt giá, cuộc sống của người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời để khắc phục trước mắt cũng như tạo điều kiện bước vào vụ sản xuất cà phê mới.
![]() |
Do thời tiết diễn biến thất thường, người trồng cà phê ở Hướng Phùng gặp rất nhiều khó khăn |
Ở Hướng Hóa, cây cà phê tập trung chủ yếu tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, thị trấn Khe Sanh…, với tổng diện tích 5.077 ha, năng suất đạt 11,9 tạ/ha, sản lượng 5.700 tấn cà phê nhân. Năm 2018, địa phương đã tổ chức tái canh khoảng 150 ha cà phê, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện 120 ha, người dân tự tái canh 30 ha. Huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác hướng dẫn người dân thực hiện kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, góp phần ổn định sản xuất cây cà phê; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cà phê chất lượng; khuyến khích người trồng cà phê quan tâm đầu tư thâm canh, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến làm tốt công tác kiểm tra chất lượng, đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại trong khâu chế biến đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh nhằm giữ vững thương hiệu cà phê Khe Sanh-Hướng Hóa. Nhờ vậy, chất lượng cà phê được đảm bảo, từng bước nâng cao thu nhập của người trồng cà phê.
Trong năm 2018, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều liên tục trong thời gian cây ra hoa, nuôi quả và đến khi vào vụ thu hoạch thì nắng nóng gay gắt… đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê ở Hướng Hóa bị giảm. Vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại Hướng Phùng, là địa phương có diện tích cây cà phê bị thiệt hại nhiều nhất ở huyện Hướng Hóa. Vào thời điểm này, những năm trước, ở đây không khí nhộn nhịp, tấp nập người bán, người mua cà phê. Thế nhưng năm nay, không khí rất đìu hiu. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phạm Ngọc Long cho biết, toàn xã có 1.710 hộ, trong đó có hơn 90% hộ trồng cà phê. Năm 2018, diện tích cây cà phê toàn xã 1.657 ha, tổng sản lượng đạt 7.376 tấn, giảm 47,43% so với năm 2017 (sản lượng khoảng 14.000 tấn); năng suất đạt 4,3- 4,7 tấn/ha, giảm so với năm 2017. Bước vào đầu vụ cà phê 2018, thời tiết diễn biến khá thuận lợi, cây cà phê phát triển khá tốt. Nhiều người dân hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu. Thế nhưng, vào lúc cây ra hoa, đậu quả thì mưa lớn kéo dài liên tục từ tháng 4 đến tháng 8 làm ảnh hưởng rất lớn đến cây cà phê. Với người dân Hướng Phùng, đây được xem là đợt mưa chưa từng có trong hơn 10 năm qua. Mưa lớn kéo dài nên không thể thực hiện việc bón phân, chăm sóc cho cây trồng; mưa lớn làm cho tỉ lệ đậu quả không cao và đối với những quả đã ra thì không phát triển, bị rụng, khô héo; dịch bệnh cũng xảy ra nhiều đối với cây cà phê trong giai đoạn này… Trước tình hình đó, UBND xã Hướng Phùng trực tiếp cử cán bộ nông nghiệp về bám trụ địa bàn hướng dẫn người dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, vì mưa lớn kéo dài liên tục trong 3 tháng nên mọi công sức của chính quyền và người dân đều không đạt kết quả như mong muốn. Đến giai đoạn thu hoạch thì trời nắng nóng gay gắt cũng ảnh hưởng đến cây cà phê. Kết thúc vụ cà phê 2018, người trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn vì mất mùa, giá thu mua cà phê thấp so với từ trước đến nay, giao động bình quân khoảng 4.500 đồng/kg. Hơn 95% người dân trồng cà phê ở Hướng Phùng bị mất mùa.
Ông Lý Văn Hùng, ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực ở Hướng Phùng, đã có nhiều người dân thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện nhờ cây cà phê. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, người trồng cà phê gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn các vườn cà phê trồng lâu năm, già cỗi, cho năng suất, sản lượng thấp; người dân thiếu vốn để đầu tư tái canh cây cà phê; mặt khác, giá cà phê liên tục giảm… Đặc biệt, trong năm 2018, người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn hơn do yếu tố thời tiết. Ông Hùng nói: “Năm 2017, tôi trồng 3ha cà phê cho thu hoạch 30 tấn, giá bán 6.500 đồng/kg, thu về gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 100 triệu đồng. Đến vụ 2018, do thời tiết diễn biến thất thường, chỉ thu hoạch được gần 20 tấn, giá bán 4.500 đồng/kg, thu về khoảng 90 triệu đồng, trừ chi phí thuê nhân công 40 triệu đồng, tiền phân bón 32 triệu đồng và các khoản khác thì không còn dư đồng nào, thậm chí còn nợ thêm. Điều tôi lo lắng nhất chính là tiền vay ngân hàng hơn 240 triệu đồng đến hạn trả nhưng chưa có khả năng trả được. Tôi mong muốn được các cấp, ngành liên quan quan tâm hỗ trợ để khắc phục khó khăn trước mắt; các ngân hàng cho khoanh nợ, kéo giản thời gian trả nợ và cho vay thêm vốn để đầu tư cho vụ mùa mới”.
Không chỉ người dân ở Hướng Phùng gặp khó khăn trong năm 2018, mà nhiều người dân trồng cà phê ở các địa phương khác ở huyện Hướng Hóa cũng gặp bất lợi do thời tiết diễn biến thất thường, làm cho cây cà phê cho năng suất, sản lượng thấp và giá thu mua cà phê thấp hơn mọi năm. Vì thế, người trồng cà phê ở Hướng Hóa rất cần chia sẻ, hỗ trợ kịp thời để khắc phục khó khăn trước mắt cũng như có điều kiện đầu tư vào phát triển sản xuất cây cà phê cho vụ mùa tới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, để làm tốt công tác sản xuất, thu mua chế biến, nâng cao chất lượng và đảm bảo sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn đạt hiệu quả cao, nhằm đảm bảo thương hiệu cà phê Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp cụ thể như: Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động người dân quan tâm công tác đầu tư thâm canh tăng năng suất chất lượng cà phê; quản lý chặt chẽ việc thu hoạch, thu mua chế biến cà phê trên địa bàn; thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản; tổ chức chỉ đạo các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với người trồng cà phê, tạo tâm lý yên tâm đầu tư sản xuất cho người trồng cà phê, đảm bảo lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh cà phê. Tiếp tục tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện để người dân thế chấp vay vốn phục vụ phát triển sản xuất, chăm sóc, tái canh cây cà phê. Trong những năm qua, các ngân hàng trên địa bàn huyện luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào phát triển sản xuất đặc biệt là vay vốn hỗ trợ trồng, chăm sóc và thu mua chế biến cà phê. Trên địa bàn huyện có 4.756 đối tượng được vay vốn với tổng dư nợ 189,088 tỷ đồng. Vì thế, huyện Hướng Hóa sẽ tổ chức các buổi làm việc và đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tháo gỡ các nguồn vay nợ trong thời gian gặp khó khăn do cà phê mất mùa trong năm 2018, tiếp cận nguồn vốn vay theo quy định của nhà nước. Qua đó, nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển và nâng cao uy tín, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm cà phê Hướng Hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Minh Đức