Vì những con phố bình yên
(QT) - Đêm. Thành phố lên đèn, rồi chìm sâu vào giấc ngủ say. Nhưng đâu đó trên những ngả đường, tuyến phố, hình ảnh những người bảo vệ dân phố (BVDP) trong trang phục chỉnh tề vẫn miệt mài tuần tra, canh cho giấc ngủ yên bình của từng con phố nhỏ. Vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, những người làm công tác BVDP luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, bất chấp khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy cận kề… "Bình yên phải đến từ những nếp nhà..."   Gắn bó với công việc của một người BVDP hơn 8 ...

Vì những con phố bình yên

(QT) - Đêm. Thành phố lên đèn, rồi chìm sâu vào giấc ngủ say. Nhưng đâu đó trên những ngả đường, tuyến phố, hình ảnh những người bảo vệ dân phố (BVDP) trong trang phục chỉnh tề vẫn miệt mài tuần tra, canh cho giấc ngủ yên bình của từng con phố nhỏ. Vì cuộc sống hạnh phúc của người dân, những người làm công tác BVDP luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, bất chấp khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy cận kề… "Bình yên phải đến từ những nếp nhà..."

Gắn bó với công việc của một người BVDP hơn 8 năm nay, ông Lê Xuân Thảo (trưởng ban BVDP phường Đông Lễ) luôn tâm niệm rằng: "Bình yên của mỗi con phố phải đến từ những nếp nhà”. Vì lẽ đó, công việc giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên hư hỏng trên địa bàn luôn khiến ông trăn trở. Chuyện xảy ra cách đây không lâu, giờ kể lại ông Thảo không tiện nêu tên những người trong cuộc với lý do: "Những thanh niên đó bây giờ đã thành người tốt, mình nhắc lại chuyện cũ sẽ làm họ mặc cảm về quá khứ bản thân". Đó là câu chuyện về hai thanh niên trong phường chuyên chặn đường xin đểu đã được giáo dục, cảm hóa trở thành người tốt sau một thời gian dài hư hỏng. Thời điểm đó, trên địa bàn phường Đông Lễ đã xảy ra hàng loạt vụ chặn đường xin đểu khiến dư luận hoang mang và lo lắng. Sau khi xác định được đối tượng là con em sinh sống trên địa bàn, ông Thảo đã phối hợp với gia đình và các tổ chức, đoàn thể để cùng thống nhất biện pháp giáo dục, cảm hóa, giúp các em từ bỏ hành vi xấu của mình. Trong các buổi tiếp xúc, bằng kinh nghiệm sống của một người đi trước, ông đã phân tích việc làm sai trái của các đối tượng, động viên các em hãy làm những việc có ích cho xã hội. Tuy nhiên, do quen với việc chơi bời, lêu lỏng nên các đối tượng trên vẫn ngựa quen đường cũ. Không nản lòng, ông Thảo vẫn kiên trì tiếp cận đối tượng, thuyết phục bằng những lý lẽ hợp tình, hợp lý để các em nhận thức rõ hơn về các hành vi do mình gây ra. Bên cạnh đó, ông cũng đã áp dụng biện pháp cứng rắn đưa đối tượng ra kiểm điểm trước dân đồng thời tăng cường công tác quản lý, theo dõi để khép đối tượng đi dần vào khuôn khổ. Sau một thời gian, biết không thể tiếp tục làm công việc mà gia đình và xã hội lên án, hai thanh niên đó đã từ bỏ hành vi chặn đường xin đểu và được gia đình tạo điều kiện cho đi học nghề. Hiện nay, họ là những người thợ sửa chữa cơ khí có mức thu nhập khá ổn định tại địa phương. Là một người cha, ông Thảo rất thấu hiểu nỗi lòng của các bậc phụ huynh khi thấy con mình hư hỏng. Vì thế, ông đã dồn hết tâm huyết của mình cho công việc này. Ông cho biết: "Để cảm hóa được đối tượng, bản thân mình phải là người gương mẫu, có kinh nghiệm sống và am hiểu về pháp luật. Trong quá trình giải quyết, trước tiên phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc chơi bời, hư hỏng của các cháu để có biện pháp giáo dục phù hợp... ". Cũng theo lời ông, khi tiếp xúc với các đối tượng hư hỏng, không nên đưa ra những mệnh lệnh buộc các cháu phải làm như thế này, thế kia mà phải kiên trì giải thích và thuyết phục. Thời gian qua, ông Thảo đã giáo dục, cảm hóa được 16 đối tượng là thanh thiếu niên hư hỏng, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình trên địa bàn phường. Công việc này đã lấy đi của ông rất nhiều thời gian. Vì cảm hóa được một đối tượng trở thành người tốt là cả một quá trình, trong đó đòi hỏi sự nỗ lực của gia đình, đoàn thể và cá nhân người mắc lỗi. Tiếng lành đồn xa, nhiều bậc phụ huynh có con cái hư hỏng đã tìm đến ông nhờ giúp đỡ. Với ông Thảo, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Gương mặt gầy gò, mái tóc đã đốm bạc nhưng ông Thảo vẫn khiến người đối diện phải cảm phục trước tinh thần hết lòng vì công việc của mình. Bộn bề với công việc của một chủ nhiệm HTX, ông phải tranh thủ thời gian để tham gia vào công việc của một người BVDP. Trong những chuyến tuần tra đêm, ban BVDP của ông đã phát hiện nhiều vụ trộm cắp, đánh bạc, xâu ẩu lẫn nhau, góp phần giữ gìn ANTT ở địa phương..... Mỗi lần làm được việc có ích, ông Thảo cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Niềm vui đó lấn lướt đi nỗi lo của gia đình và bản thân mỗi khi ông phải đối mặt với nguy hiểm trong công việc. Ông không giấu nỗi niềm tự hào: "Nhờ làm những công việc này mà tui được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng đấy. Vì thế, phải cố gắng để xứng đáng với niềm tin mà người dân trong phường đã gửi gắm..." "BVDP phải luôn đi đầu trong mọi tình huống"
Nghe anh Lê Quang Hoàn (trưởng ban BVDP phường 5) kể về công việc thường ngày của mình mới thấu hiểu hết nỗi vất vả trong công việc của những người làm công tác BVDP. Phường 5 là một trong những phường trung tâm của thành phố Đông Hà với trên 22 ngàn dân sinh sống. Đây cũng là địa bàn tập trung đông đúc người từ nơi khác đến học tập, sinh sống và làm ăn bằng các ngành nghề khác nhau. Vì thế, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp. Nắm bắt được tình hình trên, anh Hoàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm trong lực lượng BVDP của phường. Từ năm 2008 đến nay, Ban BVDP phường 5 đã phối hợp với Công an phường giải quyết 46 vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn, kiểm tra trên 600 hộ dân và 100 nhà ở cho thuê, tổ chức 253 lượt tuần tra đêm. Qua công tác tuần tra, kiểm tra, Ban BVDP phường đã phát hiện nhóm đối tượng do Lê Quốc Tuệ, Trần Thế Lưu, Trần Thế Luyến…ở khu phố 9, khu phố 10 phường 5 thực hiện nhiều vụ trộm cắp trên địa bàn, lập hồ sơ chuyển cho công an phường để có biện pháp xử lý. Nhiều năm liền, lực lượng BVDP phường 5 góp phần cùng cán bộ, nhân dân phường giữ vững lá cờ đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của thành phố Đông Hà, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của anh Lê Quang Hoàn. Được rèn luyện, thử thách 5 năm trong quân ngũ nên khi về làm công việc của một BVDP, anh Lê Quang Hoàn luôn chủ động trong mọi tình huống. Bĩnh tĩnh và kiên quyết đến cùng trong việc xử lý các hành vi vi phạm là phương châm làm việc của anh. Khi nói về bản thân, anh chỉ khiêm tốn: “Trong cuộc sống, mỗi người đều có những đóng góp nhất định cho xã hội. Việc làm của tôi cũng bình thường giống như bao người khác mà thôi”. Vụ phục bắt đối tượng Trần Thế Lưu (một đối tượng chuyên trộm cắp tài sản trên địa bàn) là một kỷ niệm khó quên đối với anh. Do lười lao động, lại thích có tiền để tiêu xài phung phí nên Lưu thường xuyên đột nhập vào nhà dân để trộm cắp tài sản. Từ lâu, đây là đối tượng lọt vào tầm ngắm của Công an phường và lực lượng BVDP. Tuy nhiên, bắt được tên Lưu không dễ bởi đối tượng rất ít khi về nhà, kể cả ban đêm lẫn ban ngày. Một ngày, tổ BVDP của anh Hoàn nhận được tin báo khu vực phía sau trường chuyên Lê Quý Đôn có khả năng là chỗ ẩn nấp của tên Lưu. Vào khoảng 1h sáng, khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ say, tổ BVDP do anh phụ trách phối hợp với công an phường chia thành 3 mũi phục kích địa điểm nghi vấn và bắt được Lưu khi đối tượng vẫn còn đang ngái ngủ. Theo anh Hoàn, công việc của người làm công tác BVDP gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, không vì thế mà những người gắn bó với công việc này phải đầu hàng. Anh cho biết: "Không chỉ riêng địa bàn phường 5 mà ở bất cứ nơi đâu, lực lượng BVDP cũng luôn đi đầu trong mọi tình huống, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an ở cơ sở trong công tác giữ gìn ANTT địa bàn". Không chỉ làm tốt vai trò của người Trưởng ban BVDP, anh Hoàn còn năng nổ, nhiệt tình trong công việc của trưởng ban quản lý chợ và Chi hội trưởng Hội CCB phường 5. Con trai đầu của anh Hoàn hiện cũng đang tham gia vào lực lượng cơ động của phường. ”Phải xứng đáng với niềm tin của dân”
Quê ở huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhưng từ lâu, ông Trần Thiên Huyên (46 tuổi) coi mảnh đất Hướng Hóa là quê hương thứ hai của mình. Ở đây, ông đã có một gia đình hạnh phúc và những đồng đội, bạn bè luôn kề vai sát cánh mỗi khi ông gặp khó khăn. Cũng từ lâu, người dân khối 4, thị trấn Khe Sanh đã quen với hình ảnh người tổ trưởng tổ BVDP luôn tận tâm trong công việc, được dân quý, dân tin. Được sự động viên, khích lệ của các đồng chí công an khu vực và cấp ủy cơ sở cũng như sự tin tưởng của người dân, ông Huyên được bầu làm tổ trưởng tổ BVDP và gắn bó với công việc này hơn 7 năm nay. Tuy công việc thầm lặng nhưng những buổi tuần tra đêm của tổ BVDP do ông phụ trách đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tình hình an ninh trật tự của khu phố. Ông Huyên tự nhận mình là người may mắn khi được gia đình hết lòng ủng hộ và động viên ông trong công việc. Theo ông: “Công việc của một BVDP thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy, trong khi đó vũ khí trang bị cho những người làm công việc này lại quá sơ sài. Để vượt qua những tình huống đó, người BVDP phải khéo léo, mềm dẻo và linh hoạt để xử lý sự việc đạt kết quả cao”. Công việc này còn rèn cho ông tính kiên trì, dẻo dai, cảnh giác cao với các biểu hiện nghi vấn. Chuyện ông cùng tổ BVDP khối 4 giúp Công an thị trấn bắt đối tượng hiếp dâm cô gái người dân tộc là một minh chứng. Nhận được tin báo từ cơ quan công an về đối tượng phạm tội đang ẩn náu tại nhà của một người quen trên địa bàn do mình quản lý, ngay lập tức, trong trang phục thường dân, ông cùng các thành viên trong tổ có mặt kịp thời tại nơi đối tượng phạm tội đang ẩn nấp với tư cách là một cuộc thăm viếng bình thường. Đến nơi, ông quan sát địa hình và phát hiện phía sau ngôi nhà đó có một lối đi dẫn ra đồi thông. Với địa hình như thế, nếu bị đánh động, đối tượng sẽ rất dễ trốn thoát. Để tránh sự nghi ngờ, ông lấy lý do vì lâu ngày không gặp mặt để mua rượu về thết đãi mọi người. Trên đường đi, ông đã ghé vào đồn công an để báo cáo chi tiết sự việc và cùng lực lượng chức năng bố trí vây bắt đối tượng trước khi tẩu thoát. Sự việc chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 15 phút, nhanh đến mức đến khi cho tay vào còng số 8, đối tượng vẫn chưa hết ngạc nhiên. Tổ BVDP của ông Huyên đã nhiều lần cung cấp thông tin, phát hiện về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn cho lực lượng công an thị trấn để kịp thời giải quyết vụ việc. Ông cũng là người hòa giải có uy tín trong cộng đồng. Mỗi khi trong khu phố xảy ra xô xát, mâu thuẫn giữa những người dân là ông có mặt. Ngoài việc am hiểu phong tục tập quán địa phương, ông còn chịu khó học hỏi, nghiên cứu những quy định của pháp luật để có cách giải quyết phù hợp, thấu đáo. Vì thế, mỗi quyết định của ông đưa ra đều thấu tình, đạt lý, khiến người trong cuộc phải tâm phục, khẩu phục. Ông Huyên chia sẻ: “Người làm công tác hòa giải phải nắm bắt được tình hình dân cư trong khu phố, nhất là đối với các đối tượng khác địa bàn đến tạm trú, tạm vắng. Từ đó sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp với từng đối tượng với những lứa tuổi khác nhau”. Cũng có khi sự có mặt của ông khiến người trong cuộc(đang trong cơn giận dữ) không bằng lòng và buông những lời lẽ xúc phạm nặng nề. Tuy nhiên, ngay sau đó họ đã đến gặp và xin lỗi ông về những hành động của mình gây ra. Vì thế, theo ông Huyên, một kinh nghiệm nữa không kém phần quan trọng là trong mọi tình huống, người làm công tác BVDP phải thực sự bình tĩnh, không được nổi nóng để tránh làm sự việc thêm phần rắc rối. Trò chuyện với ông Huyên, điều làm tôi ngạc nhiên là mặc dù phụ cấp cho những người làm công tác BVDP như ông chỉ vỏn vẹn 243 ngàn đồng mỗi tháng (chưa đủ tiền xăng xe cho những buổi tuần tra ban đêm) nhưng không vì thế mà ông bê trễ hay chán nản với công việc mình đang làm. Ngược lại, ông khẳng định: “Nếu còn sức khỏe, tui vẫn tiếp tục công việc của mình, phải xứng đáng với niềm tin của người dân”. Những lúc rảnh rỗi, ông Huyên còn làm thêm nghề thợ nề để kiếm thêm thu nhập nuôi các con ăn học. Không chỉ gắn bó với công tác BVDP, ông còn đảm nhiệm công việc khu phố như khối phó, chi hội phó hội CCB khối 4, thị trấn Khe Sanh…Ở cương vị công tác nào, ông cũng được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm vì sự nhiệt tình, năng nổ và hết lòng vì công việc. Năm 2009, ông Huyên được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác BVDP. Bài, ảnh: Hoài Hương