Sáng nay 11/1/2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020; triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy tham dự ở điểm cầu Quảng Trị.
Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 tại điểm cầu Quảng Trị- Ảnh: ĐV |
Năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội, tạo lập khuôn khổ pháp lý ngày càng minh bạch và bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng; tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 và thiên tai gây ra trong năm 2020, toàn ngành LĐ,TB&XH đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ của ngành ở địa phương.
Giai đoạn 2016 – 2020, Bộ LĐ,TB&XH đã có nhiều chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHTN; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đời sống người có công và thân nhân được nâng cao. Cụ thể, quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, lực lượng lao động tiếp tục tăng từ 54,2 triệu người năm 2015 lên 54,6 triệu người năm 2020. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% lên khoảng 64,5%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng cao, đến năm 2020 đạt 24,5%. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam nằm trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
Các chính sách đối với người có công với cách mạng, nâng cao đời sống người có công được thực hiện tốt; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh; đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; không còn hộ người có công trong diện hộ nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh, từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% cuối năm 2020; thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam trở thành “Một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới.”
Năm 2021, thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Bộ LĐ,TB&XH tiếp tục phát triển thị trường lao động theo hướng minh bạch, cạnh tranh và hội nhập; mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội và nâng dần mức trợ cấp. Phấn đấu 66% lao động được qua đào tạo, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021.
Tại hội nghị, đại biểu ở một số điểm cầu đã nêu nhiều ý kiến, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như một số chính sách chất lượng chưa cao. Cơ cấu đào tạo nghề theo cấp trình độ và ngành nghề còn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tỉ lệ thất nghiệp còn cao, đặc biệt là khi COVID-19 bùng phát ở nhiều thành phố lớn. Bên cạnh đó, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ và ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp. Tỉ lệ đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội vẫn thấp hơn thực tế. Thành quả giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo còn cao. Bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực và xâm hại trẻ em chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu: Thời gian tới ngành LĐ,TB&XH cần tiếp tục làm đơn vị đầu mối để tổng hợp tham mưu cho Chính phủ những chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách công nhận hồ sơ cho người có công. Trong bối cảnh COVID – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu kép để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế đồng thời cố gắng chăm lo tốt đời sống người lao động, đặc biệt đối với người lao động bị ảnh hưởng do dịch, thông qua các gói hỗ trợ.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn, Bộ LĐ,TB&XH cần phối hợp tốt với các tổ chức hội, các tổ chức chính trị- xã hội huy động các nguồn lực để hỗ trợ tốt cho các đối tượng yếu thế trên mọi miền đất nước. Cần rà soát lại chế độ, chính sách để không bỏ sót đối tượng, không để người có công phải sống trong hoàn cảnh nghèo khó. Các ngành cần quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đuổi kịp giáo dục đại học; nâng cao chất lượng lao động được đào tạo nghề...
Ngoài ra, ngành cần tìm ra những giải pháp mới trong việc thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện, bởi hiện nay việc đối tượng nghiện mới sử dụng các chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng, trong khi chưa tìm ra liệu pháp y học để điều trị cắt cơn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên các địa phương cần có những chính sách chăm lo để người dân ai ai cũng có tết, đón tết được đầm ấm, tươi vui.
Đức Việt