(QT) - Xã Gio Hoà (Gio Linh,Quảng Trị) với 400 hộ dân, 1.870 nhân khẩu nhưng có hơn 70% gia đình ở đây làm nghề chẻ đá. Nghề này mang lại cuộc sống khấm khá hơn cho người dân nơi đây song cũng không thiếu những hiểm nguy rình rập! Nguồn sống từ đá Đến xã Gio Hoà, điều mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra đó là mỗi gia đình đều có một bãi đá riêng trong vườn nhà. Đất đai ở đây vốn cằn cỗi, chật hẹp nên người dân chỉ biết dựa vào nguồn đá tự nhiên để kiếm sống. Mỗi gia đình có từ 2-3 thành viên là thợ đá. Theo những người lớn tuổi trong làng, nghề chẻ đá có từ những năm trước giải phóng. Ban đầu, chỉ có vài chục hộ dân làm nghề chẻ đá. Sản phẩm làm ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà cửa, lăng miếu trong làng. Khi những hộ dân ở đây phát hiện ra vùng đất này được “trời ban” cho một trữ lượng đá lớn, có thể nuôi sống họ thì nghề đá cũng “phất” lên từ đó. Những người thợ đá đầu tiên đã lặng lẽ “truyền nghề” cho người trong làng mình. Cho đến nay, nghề đá đã nuôi sống đa phần số dân trong xã.
![]() |
"Cò đá" cho xe vào múc đá tại vườn |
Theo chân những thợ chẻ đá từ sáng sớm, chúng tôi được chứng kiến cảnh những “nghệ nhân” tạo đá là những người nông dân chân chất quê mùa. Bãi chẻ đá thường được tập trung quy mô lớn ở những vườn cao su trong xã. Ở đây, hàng ngày có vài chục thợ đá trong làng ra làm công, ăn theo sản phẩm. Ông Phan Hữu Hoá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Hoà nói về nghề đá: “Chẻ đá là nghề tự phát của làng nhưng mang lại giá trị kinh tế khá cao. Mỗi thợ đá ở đây đều có thu nhập từ 100-120 nghìn đồng/ngày. Làm công ăn theo sản phẩm, thợ đá nào lành nghề, chẻ đá đẹp, nhanh thì có thu nhập đến vài trăm nghìn một ngày” Ở những bãi chứa đá thường do một hợp tác xã, đứng đầu là các ông chủ bao thầu một vùng riêng. Những ông chủ đá này vừa thuê nhân công, vừa có máy múc đa và thu mua đá từ các lò chẻ đá trên địa bàn của xã rồi bán cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đến thôn Nhất Hoà là bãi đá lớn nhất của xã. Nơi đây, hàng ngày thường có 30 đến 40 công nhân chẻ đá. Trời nắng gắt, những phiên đã lớn bị lật tung bụi mù mịt. Người nhễ nhại mồ hôi, anh Nguyễn Văn Thành (45 tuổi), một thợ chẻ đá có thâm niên 15 năm làm nghề ở đây vẫn không ngơi tay. Theo anh Thành, mỗi ngày, nếu là thợ lành nghề thì chẻ được chừng 40-50 viên đá. Cứ bình quân mỗi viên bán ra được từ 5-7 nghìn đồng, trừ chi phí vận chuyển, máy múc đá thì cũng có chút ít thu nhập. Nhiều thợ đá cho biết, “tiêu chuẩn” của một thợ đá được xem là lành nghề thì phải có kỹ thuật chẻ đá điêu luyện. Dụng cụ là sáo, nỏ, đe hoàn toàn thủ công nên phải đòi hỏi độ kiên trì, khéo tay và chính xác của người thợ. Nếu đá dùng để xây nhà (đá 2 mặt) thì đòi hỏi về yếu tố thẩm mỹ càng cao hơn. Ở những “công trường đá” này thường được phân ra 2 loại thợ: Nếu mới vào nghề thì được phân công tách từng phiến đá lớn. Những người thợ lành nghề mới đủ khả năng làm nốt công đoạn tiếp theo là chẻ từng khối đá lớn thành viên từng viên vuông vắn. Đến với bãi đá mưu sinh không chỉ là đàn ông mà còn có cả phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Liên, một thợ đá ở thôn Đồng Hoà cho biết: “Chị em làm nghề đá như tui ở xã ni có hơn chục người. Nhiều gia đình ở đây ca hai vợ chồng đều là thợ đá. Dân miềng ở đây ruộng không có, không mần nghề ni thì cũng biết có việc chi mà làm” Nghề “Cò đá” Ở làng đá Gio Hoà, một nghề mới xuất hiện đó là nghề “cò đá”. Do có trữ lượng đá lớn, việc khai thác, mua bán chủ yếu dựa trên sự tự phát, thoả thuận của người dân. Trung gian của những cuộc mua bán này là các “cò đá”. Họ có thể là người dân trong xã hoặc từ các nơi khác đến. Hàng ngày, “cò đá” đi khắp các xã miền Tây Gio Linh từ làng đá Gio Hoà, Gio Bình, Gio An cho đến các xã khác. Bất cứ vườn nhà nào có đá Mộc, đá Thanh họ đều tìm đến. Với những “cò đá”, kinh nghiệm quan sát đá trên bề mặt đất, trong vườn nhà để đanh giá xem trữ lượng đá dưới lòng đất là điều quan trọng. Thường một “vườn đá” được các “cò” đặt mua với giá từ 2-3 triệu đồng. Sau khi thoả thuận giá cả xong xuôi với gia chủ, các “cò đá” sẽ liên hệ với các chủ xưởng đá đưa xe đến múc. Xem ra, đây là cách mua bán khá “kỳ lạ” và thú vị. Bởi nếu không đánh giá đúng trữ lượng đá, sau khi cho xe đến múc các “cò đá” sẽ bị lỗ nặng. Anh Cao Xuân Thái, một “cò đá” lâu năm thổ lộ: “Khi mua cả vườn đá phải biết quan sát để xác định trữ lượng đá. Nhìn màu đá trên bề mặt để đoán được tại vườn này loại đá Thanh hay đá Mộc nhiều hơn. Nắm được công đoạn này mới xác định mức giá sao cho khi khoán lại cho các ông chu mình hưởng được chênh lệch.” Theo các “cò đá” lâu năm, đây là cách thoả thuận buôn bán “lời ăn lỗ chịu”. Do đó, chỉ những “cò” đã có thâm niên mới dám “hành nghề”! Cứ bình quân mỗi vườn đá nếu nếu chọn trúng địa điểm các “cò” này cũng kiếm được 500 - 600 nghìn đồng. " Nước mắt" nghề chẻ đá Nghề chẻ đá tuy mang lại thu nhập khá cao cho người dân xã Gio Hoà, Gio Bình, tuy nhiên cũng không thiếu những hiểm nguy rình rập. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thợ đá bất chấp hiểm nguy để hành nghề. Với những thợ chẻ đá thì những mảnh vỡ bằng sắt từ đe, từ đá bắn ra, xuyên thủng áo quẩn cắm vào người phải đi mỗ để gắp ra là chuyện bình thường. Có mặt tại công trường đá Nhất Hoà, “đỏ mắt” chúng tôi cũng không tìm ra một thợ đá nào có dụng cụ bảo hộ lao động. Anh Tâm, một công nhân chẻ đá ở đây nói: “Nghề này ngó ri mà gian nan chú ạ. Ở đây, mạnh ai làm nấy chứ có được ông chủ trang bị bảo hộ lao động mô! Ai “xui” bị tai nạn thì phải bỏ tiền túi ra mà chạy chữa chứ mần răng!”. Không như anh Tâm, hỏi nhiều thợ đá tại đây đa phần họ đều tặc lưỡi: “Trời kêu ai nấy dạ. Mần nghề ni thì phải chấp nhận thôi”. Nói thế thôi, với nhiều thợ chẻ đá khi nhắc lại những vụ tai nạn nghề nghiệp họ không khỏi bàng hoàng. Anh Tâm nhớ lại: “Năm ngoái (năm 2008), anh Thắng ở Gio Bình, khi chẻ đá không có “thế” làm đá lăn đè giập mất một chân, phải đưa đi bệnh viện Trung ương Huế chữa trị mất mấy chục triệu, giờ tiền mất tật mang.” Ngay bản thân anh Tâm cũng như nhiều thợ làm đá khác nhiều lần “thoát nạn” trong gang tấc. Với thợ chẻ đá tiền công làm mấy tháng cũng không thấm tháp vào đâu nếu như họ gặp rủi ro. Tiếp xúc với nhiều thợ chẻ đá tại Gio Hoà chúng tôi không khỏi băn khoăn về việc khai thác đá ở đây đang bị thả nổi, chưa có sự quản lý và chịu trách nhiệm của một cấp, ngành nào. Trong khi đó, những người thợ chẻ đá thì không thể tự bảo đảm an toàn cho chính mình. Bài, ảnh: Nguyễn Khánh