(QT) - Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, trong những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai nhiều hoạt động có tính thiết thực. Trong đó, mô hình Tổ hợp tác (THT) đã góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn. Từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào các THT, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của các hội viên phụ nữ được nâng cao đáng kể.
![]() |
Tổ hợp tác làm nón lá tạo thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ. Ảnh :LA |
Gia đình chị Phan Thị Nguyên là một trong những hộ có truyền thống làm nước mắm lâu đời tại thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Tuy nhiên, mặc dù là nghề truyền thống nhưng do trước đây chủ yếu chỉ làm nhỏ lẻ, sản xuất theo kinh nghiệm được truyền lại nên sản lượng thấp, chất lượng không cao. Từ khi tham gia vào THT chế biến nước mắm Mỹ Thủy, chị được tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật chế biến nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được tham quan mô hình sản xuất của nhiều nơi. Nhờ vậy, không chỉ năng suất mà chất lượng của sản phẩm nước mắm do chị làm ra cũng được nâng cao rõ rệt. Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của chị tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với sản lượng trung bình mỗi ngày chế biến được gần 100 lít nước mắm. Từ việc sản xuất nước mắm đã đem lại thu nhập cho gia đình chị mỗi tháng trên 50 triệu đồng, trừ chi phí mang lại lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện nay thôn Mỹ Thủy có trên 50 hộ có kinh nghiệm làm nước mắm lâu đời, trong đó có nhiều người có tuổi nghề từ 50 năm trở lên. Để nghề chế biến nước mắm duy trì và phát triển hơn nữa, năm 2015, Hội LHPN xã Hải An đã vận động thành lập 3 THT chế biến nước mắm với hơn 20 hộ gia đình hội viên chị em phụ nữ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động thường xuyên. Trung bình mỗi tháng chị em trong 3 THT chế biến được gần 15.000 lít nước mắm, đem lại doanh thu gần 1 tỉ đồng. Đặc biệt, sau khi được công nhận là làng nghề truyền thống thì việc sản xuất nước mắm ở thôn Mỹ Thủy càng được mở rộng và đây cũng là nền tảng để xã Hải An cũng như huyện Hải Lăng duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, tạo ra hướng đi mới cho địa phương trong mục tiêu phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng Lê Thị Thu Hòa cho biết: Tính đến nay toàn huyện đã thành lập được 44 mô hình THT và Hợp tác xã (HTX) nghề nghiệp với gần 750 thành viên tham gia. Các ngành nghề hoạt động trong các THT và HTX gồm: Nghề làm nón lá, bánh đa, chổi đót, chế biến nước mắm, trồng ném, chăn nuôi lợn thương phẩm, nuôi gà, may mặc… Trung bình mỗi THT đã tạo việc làm cho từ 50 - 100 lao động nữ ở vùng nông thôn với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng. Sau khi thành lập THT, sản phẩm các ngành nghề sản xuất được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, chị em phụ nữ cũng có điều kiện trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và các kĩ thuật sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên xóa nghèo bền vững, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn. Theo chị Hòa, mô hình THT và HTX nghề nghiệp của phụ nữ Hải Lăng là hướng hoạt động hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài việc tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho chị em phụ nữ ở nông thôn, còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của, qua đó cùng nhau chung tay xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Còn tại huyện Gio Linh, theo thống kê của Hội LHPN huyện, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã thành lập được 38 THT với 756 thành viên tham gia. Chủ tịch Hội LHPN huyện Gio Linh Trần Thị Cúc cho biết: Khi tham gia THT, ngoài việc tạo thêm công ăn việc làm, tạo thêm nguồn thu nhập, thì chị em hội viên, nhất là chị em phụ nữ nghèo còn có cơ hội trao đổi kinh nghiệm làm ăn và tiếp cận với các lĩnh vực phát triển kinh tế mới. Ước tính thu nhập bình quân mỗi thành viên THT từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, lãi bình quân của mỗi THT từ 60 - 350 triệu đồng/năm. Điển hình như THT thu mua thủy hải sản ở xã Gio Hải, làm lông mi giả ở xã Gio An, làm tóc giả ở xã Gio Bình, chế biến thủy hải sản ở thị trấn Cửa Việt, HTX Chế biến và sản xuất nông sản Gio An... Để các THT và HTX phát triển đồng đều, mang lại hiệu quả cao, Hội LHPN huyện Gio Linh đã có chính sách hỗ trợ các tổ bằng các hình thức như: Bảo lãnh hỗ trợ vốn vay với các ngân hàng; hỗ trợ khuyến công về vay vốn, máy móc; xây dựng nhãn mác cho sản phẩm; tập huấn các tiến bộ kĩ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, quản lí doanh nghiệp... để nâng cao trình độ cho chị em phụ nữ trong các THT. Đồng thời tạo điều kiện cho chị em vay vốn ưu đãi qua kênh của hội để đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất của mình”, chị Cúc chia sẻ.
Thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông nói chuyện chuyên đề về kinh tế tập thể, các chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế tập thể, chương trình giảm nghèo cho hơn 500 thành viên Ban quản lí THT, cán bộ hội. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập được 285 THT, 5 HTX với hơn 10.000 thành viên tham gia. Trong đó, lĩnh vực tiết kiệm tín dụng, chăn nuôi, trồng trọt chiếm tỉ lệ cao về số tổ và số thành viên. Các đơn vị thực hiện có hiệu quả mô hình THT phụ nữ là các huyện: Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Hải Lăng. Các mô hình hoạt động đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định như: THT chế biến nước mắm Mỹ Thủy, THT làm nón lá Trà Lộc, làm bánh đa Hải Ba, may mặc xã Hải Sơn của Hội LHPN huyện Hải Lăng; THT thu mua thủy hải sản xã Gio Hải, THT làm lông mi giả xã Gio An, làm tóc giả xã Gio Bình, chế biến thủy hải sản ở thị trấn Cửa Việt của Hội LHPN huyện Gio Linh với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/thành viên/tháng. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình THT, HTX do hội hỗ trợ như tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu cấp tỉnh; vận động hội viên phụ nữ tham gia các Hội chợ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Nhịp cầu Xuyên Á; kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong giao thương, giới thiệu sản phẩm, tạo mối liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa phụ nữ các tỉnh của 3 nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; tổ chức định kì các phiên chợ quê, hội chợ Xuân. Xây dựng fanpage Thực phẩm Quảng Trị trên mạng xã hội facebook, các chuỗi gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương của các THT, mô hình phát triển kinh tế do Hội Phụ nữ quản lí tại TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ và xã Tà Long, huyện Đakrông từ các nguồn hỗ trợ của tổ chức Plan và nguồn khuyến công xúc tiến thương mại của tỉnh. Qua đó, vừa góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vừa đưa thương hiệu sản phẩm của chị em mở rộng ra thị trường.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà khẳng định: Mô hình THT và HTX nghề nghiệp của phụ nữ đã góp phần quan trọng trong việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ. Tiến tới thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu phát triển kinh tế và xóa nghèo bền vững. “Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các THT và HTX phát triển. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có chủ trương giải thể các THT không hiệu quả và mở rộng thêm các THT mới bằng các ngành nghề phù hợp với cuộc sống hiện tại của từng địa phương, tiến tới xây dựng các HTX với quy mô lớn hơn”, bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Lê An