Khảo sát các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới
(QT) - Trong các ngày 8, 9 và 14/4/2011, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chuyến khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện thí điểm tại 3 xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), Mò Ó (Đakrông) và Thuận (Hướng Hóa).  Qua khảo sát tình hình thực tế tại các xã cho thấy, sau khi được tỉnh chọn xây dựng thí điểm chương trình nông thôn mới, UBND xã đã thành lập các tổ khảo ...

Khảo sát các xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới

(QT) - Trong các ngày 8, 9 và 14/4/2011, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức chuyến khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện thí điểm tại 3 xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), Mò Ó (Đakrông) và Thuận (Hướng Hóa). Qua khảo sát tình hình thực tế tại các xã cho thấy, sau khi được tỉnh chọn xây dựng thí điểm chương trình nông thôn mới, UBND xã đã thành lập các tổ khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới, hình thành đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 dựa trên tình hình thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, do mới bước đầu thực hiện nên một bộ phận cán bộ địa phương chưa nắm vững, nhận thức đúng về bản chất của chương trình xây dựng nông thôn mới, quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, số tiêu chí các xã đạt được chưa cao. Nhiều tiêu chí như: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; giao thông; thủy lợi; cơ sở vật chất văn hóa; chợ nông thôn; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo; cơ cấu lao động, môi trường…các địa phương vẫn chưa đạt được. Mục đích chủ yếu của chuyến khảo sát là dịp để các ban, ngành liên quan có sự định hướng đúng đắn, giúp các xã có cơ sở để đánh giá đúng hơn với tình hình thực tế ở các địa phương, từ đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Chương trình nông thôn mới chủ yếu do dân thực hiện, người dân có quyền đề xuất, tham gia ý kiến để xây dựng đề án nông thôn mới, chính quyền các cấp và nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ và hướng dẫn. Chương trình nông thôn mới không thực hiện đơn lẻ mà dựa trên cơ sở kế thừa và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng thời, đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị bao gồm chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đúng tiến độ, trước hết chính quyền các địa phương cần thực hiện các bước cụ thể như: thành lập ban quản lý, ban chỉ đạo; thực hiện tuyên truyền học tập sâu rộng trong đội ngũ cán bộ cốt cán ở cơ sở và nhân dân, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành một cuộc vận động sâu rộng; đánh giá đúng thực trạng của địa phương; lập đề án quy hoạch đến năm 2020 sau đó tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá. Trong đó, nội dung quan trọng nhất mà các xã cần lưu ý là đánh giá đúng thực trạng địa phương để có sự quy hoạch thích hợp. Đối với các xã miền núi, điều kiện kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, xây dựng chương trình nông thôn mới là cơ hội để các địa phương có thêm động lực phát triển. Do vậy, lãnh đạo các huyện cần chỉ đạo sâu sát, từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Trên cơ sở đó, các xã cần chú trọng tuyên truyền để người dân có sự nhận thức đúng về chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng khâu quy hoạch dân cư, lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. LỆ NHƯ