Cập nhật:  GMT+7

Quảng Trị “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ nhưng rất anh dũng, hào hùng của quân và dân ta. Chiến thắng này ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh thời đại trong thế kỷ XX. Đóng góp vào chiến công chung đó, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã bền bỉ kháng chiến, tổ chức những trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm phá sản âm mưu xâm lược đất nước ta của thực dân Pháp và tay sai...

Quảng Trị “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ

Băng rôn chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên đường phố Đông Hà- Ảnh: Đ.T

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, quân Pháp và tay sai có 4 tiểu đoàn ứng chiến, 15 tiểu đoàn chiếm đóng, 6 đại đội binh chủng, 18 đại đội phục kích với 185 vị trí chiếm đóng, 23 lô cốt, tháp canh.

Mở đầu chiến dịch Nava ở chiến trường Bình - Trị- Thiên, ngày 28/7/1953, địch mở trận càn quy mô lớn mang tên “Cuộc hành binh Camacgo” đánh vào căn cứ du kích đồng bằng 4 huyện Quảng Điền, Phong Điền (Thừa Thiên) và Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị), lực lượng gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 400 xe cơ giới, 16 xe lội nước, 4 tàu thủy, 14 ca nô, 48 máy bay... do đích thân Tướng Lơ Blăng - Tư lệnh quân Pháp ở Trung Bộ trực tiếp chỉ huy, Tướng Nava trực tiếp đến trận địa đốc chiến.

Mục đích của “Cuộc hành binh Camacgo” nhằm đánh chiếm căn cứ vùng đồng bằng, tiến hành bình định vùng đông dân, bắt lính, phá hoại kinh tế, tiêu diệt Trung đoàn 95 bộ đội chủ lực của ta đang đứng chân tại đây.

Trước tình hình này, Trung đoàn 95 chỉ để lại một lực lượng đủ phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân, du kích bám đánh địch tại Triệu Phong, Hải Lăng. Các đơn vị còn lại lợi dụng đêm tối vượt ra ngoài rồi bí mật quay lại tập kích sau lưng địch.

Sau 9 ngày đêm càn quét, địch không thực hiện được mục tiêu “hốt gọn” Trung đoàn 95 của ta, buộc phải rút quân sau khi 450 binh lính, sĩ quan địch bị tiêu diệt và bắt sống, nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh bị phá hủy.

Sau trận chống càn thắng lợi, Trung đoàn 95 rời chiến trường Quảng Trị, trở về đội hình Đại đoàn 325 chủ lực của bộ. Đây là trận càn quét quy mô lớn nhất, dài ngày nhất từ trước đến nay ở chiến trường Quảng Trị.

Với một lực lượng hùng hậu, quân đông, tướng mạnh, đầy đủ các binh chủng được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, giặc Pháp hy vọng có thể tiêu diệt được Trung đoàn 95, đè bẹp ý chí kháng chiến của quân và dân ta. Nhưng tính toán của chúng hoàn toàn sai lầm. Kế hoạch Nava ở chiến trường Bình -Trị- Thiên bước đầu bị phá sản.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh, các lực lượng vũ trang (LLVT) cùng với toàn dân tỉnh Quảng Trị sôi nổi chuẩn bị mọi mặt, cùng với quân dân cả nước tiến hành chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 do Bộ Chính trị vạch ra.

Tỉnh ủy chủ trương phát triển chiến tranh du kích, tiêu diệt, tiêu hao quân chiếm đóng của địch, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân, du kích cả về số lượng và chất lượng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, LLVT Gio Linh đẩy lùi 7 đợt tấn công của 2 đại đội ngụy càn vào các thôn Tân Lịch, Xuân Bách, buộc chúng phải rút lui. Bộ đội địa phương và dân quân, du kích các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ hoạt động mạnh, chống càn, đánh địch ở các nơi như: Cam Giang, Cam Thanh, An Tiêm, Hải Lệ, gây cho địch nhiều tổn thất, giữ vững cơ sở, bảo vệ được cán bộ và Nhân dân, phá tan âm mưu lấn chiếm, mở rộng vùng chiếm đóng của chúng. Dân quân, du kích xã Vĩnh Liêm, Vĩnh An (Vĩnh Linh) và Đại đội 354 liên tiếp trong các ngày 28 và 30/12/1953 đánh tan các trận càn của địch vào các thôn Liêm Hóa, Quang Hóa, diệt 150 tên, phá hủy 4 ca nô, thu một số súng đạn.

Kết hợp với tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở vùng tạm chiếm, đô thị trong tỉnh diễn ra sôi nổi. Nhân dân dũng cảm đứng lên chống áp bức, bóc lột, chống bắt lính, vận động binh lính địch đào ngũ, bỏ ngũ, đòi chồng, con về.

Nhân dân xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) kéo vào tận thị trấn Đông Hà đấu tranh liên tục trong 3 ngày liền, buộc địch phải thả 50 thanh niên bị chúng bắt lính, giác ngộ được 230 ngụy binh thuộc Tiểu đoàn 6 ngụy bỏ súng về nhà.

Vào thời điểm này, ở chiến trường chính, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp điều 6 tiểu đoàn nhảy dù xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được cho là mạnh nhất Đông Dương. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Quảng Trị đã phát huy thắng lợi giành được, liên tục chống trả các cuộc càn quét; bao vây, bức rút 11 đồn bốt, vị trí của địch; bảo vệ và phát triển cơ sở, khu du kích, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch.

Ngày 7/5/1954, quân ta giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Chiến thắng vĩ đại này đã làm cho hình thái chiến trường thay đổi hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy địch vào thế thất bại toàn diện. Bị thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ nhưng thực dân Pháp vẫn chưa từ bỏ âm mưu kéo dài chiến tranh.

Ở Quảng Trị và hai huyện phía Bắc Thừa Thiên, địch đã tập trung 17 tiểu đoàn cơ động, tiếp tục mở nhiều cuộc càn quét vào các huyện Hải Lăng, Triệu Phong (Quảng Trị), Phong Điền, Quảng Điền (Thừa Thiên), đồng thời đánh chiếm Đường 9, tung biệt kích ra vùng tự do của ta để phá hoại. Tuy nhiên, tất cả những cuộc càn quét của chúng đều bị thế trận rộng lớn của chiến tranh nhân dân liên tục vây đánh, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Điển hình là trận chống càn của quân, dân hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng vào ngày 16 và 19/6/1954, 6 tiểu đoàn địch bị vây đánh tan tác, bắn cháy 200 xe cơ giới của địch, tiêu diệt 500 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, phá hủy hàng chục xe quân sự.

Phối hợp đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Giơnevơ nhằm gây sức ép với địch, đồng thời cũng là để biểu dương sức mạnh của quần chúng cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương huy động cuộc biểu tình lớn tại thị xã Quảng Trị đòi lập lại hòa bình.

Giữa lúc ta đang chuẩn bị biểu tình thì tin vui từ Hội nghị Giơnevơ bay về: ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết.

Do vậy, cuộc biểu tình dự kiến từ trước được chuyển thành cuộc mít tinh chào mừng hòa bình lập lại trên toàn cõi Đông Dương. Từ đây, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

Đan Tâm

Tin liên quan:
  • Quảng Trị “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ
    Điện Biên Phủ - điểm hẹn chiến tranh đến hòa bình

    Điện Biên Phủ “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó chỉ rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ ghi dấu ấn tốt đẹp và chiến công hiển hách trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, mà còn tác động mạnh mẽ đến an ninh, chính trị thế giới, trở thành điểm hẹn hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

  • Quảng Trị “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ
    Những người Quảng Trị góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên ...

    50 năm trôi qua, sự kiện lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn đọng lại trong tâm trí bao người, nhất là thế hệ chúng tôi, những sinh viên mặc áo lính. Cùng với quân và dân Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vô cùng tự hào vì mình là một trong những người con của quê hương Quảng Trị vinh dự có mặt cùng chung chiến hào chiến đấu, gian khổ, hy sinh để chia lửa cùng đồng đội, đánh trả và đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.


Đan Tâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Từ Bạch Đằng giang đến Điện Biên Phủ

Từ Bạch Đằng giang đến Điện Biên Phủ
2024-05-07 05:21:00

QTO - Không khí của đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã rộn ràng từ mấy tháng qua. Không chỉ ở mảnh đất Điện Biên hay ở các thành phố lớn...

Những nhà báo ra trận ở Điện Biên Phủ

Những nhà báo ra trận ở Điện Biên Phủ
2024-05-06 16:19:00

QTO - Ở mặt trận Điện Biện Phủ 70 năm trước, các nhà báo, với tinh thần của người trong cuộc đã thể hiện sinh động bản lĩnh, trí tuệ và lẽ sống của những...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết