Cập nhật:  GMT+7

Mở lối cho người khuyết tật. Bài 2: Để những cuộc đời nở hoa

Không phụ sự quan tâm, hỗ trợ, thời gian qua, nhiều người khuyết tật trong tỉnh đã vươn lên, giúp cuộc đời nở hoa. Không những thế, họ còn chung tay hỗ trợ nhiều người đồng cảnh; đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, doanh nghiệp; lan tỏa nguồn năng lượng tích cực… Việc nhân rộng những điển hình như thế cần được chú trọng.

Hiện thực hóa giấc mơ

Tháng 8/2022, Hội Người mù tỉnh tổ chức hội thi tay nghề xoa bóp, bấm huyệt dành cho người khiếm thị lần thứ III, năm 2022. Từ các miền quê trong tỉnh, 21 kỹ thuật viên khiếm thị giàu kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng đã được lựa chọn, tụ hồi về TP. Đông Hà tranh tài. Trải qua những vòng thi nghiêm túc, ban tổ chức, ban giám khảo đã trao giải Nhất cho anh Trương Khắc Vinh (sinh năm 1986) và anh Trịnh Minh Duệ. Đáng chú ý, đây là lần thứ 2, anh Vinh đoạt giải Nhất trong cuộc thi dành riêng cho những kỹ thuật viên khiếm thị làm nghề xoa bóp, bấm huyệt trong tỉnh.

Mở lối cho người khuyết tật. Bài 2: Để những cuộc đời nở hoa

Nhờ được đào tạo nghề, anh Trương Khắc Vinh đã hiện thực hóa giấc mơ của mình - Ảnh: T.L

Nói đến anh Trương Khắc Vinh, cán bộ Hội Người mù tỉnh đều dành những lời khen ngợi. Không chỉ giỏi tay nghề, anh Vinh còn là tấm gương sáng giữa đời thường. Với nghị lực phi thường, anh đã vươn lên làm cho cuộc đời mình nở hoa và chung tay giúp nhiều người đồng cảnh. Nở nụ cười khi nghe những lời mà cán bộ hội trìu mến dành cho, anh Vinh chân thành nói: “Nếu không có cái nghề do Hội Người mù tỉnh và TP. Đông Hà trang bị, chắc tôi khó vươn lên”.

Từ nhỏ, căn bệnh thoái hóa võng mạc đã lấy đi đôi mắt sáng của anh Trương Khắc Vinh và hai người thân trong gia đình. Không thấy những sắc màu tươi vui cuộc sống, anh Vinh cố gắng đèn sách, xem đây là “nguồn sáng” của đời mình. Nào ngờ, khi cầm tấm bằng trung cấp cầu đường trên tay, đi nộp hồ sơ ở đâu, anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Trong tháng ngày buồn bã, chán nản nhất, anh Vinh được các cán bộ Hội Người mù tỉnh và TP. Đông Hà thắp lên hy vọng. Sau khi học nghề xoa bóp, bấm huyệt, anh đã mạnh dạn đứng ra mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt “Nhân Ái” nằm trên đường Ngô Sỹ Liên, TP. Đông Hà. Trong gần 9 năm hoạt động của cơ sở, có nhiều thời điểm, anh và các kỹ thuật viên khiếm thị khác làm việc không xuể.

“Từ một chàng sinh viên chán nản vì không có việc làm, nhờ có nghề mà tôi đã kiếm được tiền từ đôi bàn tay và tạo việc làm cho 4 bạn đồng cảnh. Tôi cũng đã tìm được hạnh phúc của mình. Vợ tôi là một người sáng và con cũng vậy”, anh Vinh chia sẻ trong ngập tràn niềm hạnh phúc.

Cũng là một người khiếm thị giỏi tay nghề xoa bóp, bấm huyết như anh Trương Khắc Vinh, anh Trần Ngọc Tú (sinh năm 1983), quê ở huyện Triệu Phong đã tự tin tìm cơ hội cho mình giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Nhiều năm nay, cơ sở xoa bóp, bấm huyệt mang tên “Ánh Dương” của anh Tú đã trở thành địa chỉ tin cậy của đông đảo khách hàng.

Hiện tại, vợ chồng anh Tú đang tạo việc làm cho 6 người đồng cảnh với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Trò chuyện với phóng viên qua điện thoại, anh chia sẻ: “Dù ở đâu, tôi vẫn một lòng, một dạ hướng về quê hương. Vợ chồng tôi vừa xây dựng xong căn nhà trị giá hơn 1 tỉ đồng ở quê. Sau này, khi lớn tuổi, chúng tôi sẽ trở về với quê hương”.

Nói về hiện tại, anh Trần Ngọc Tú khẳng định, đây là giấc mơ có thật đối với mình. Từ lúc sinh ra, hậu quả của chất độc da cam đã không cho anh Tú đôi mắt sáng. Dù đã chạy chữa đến mức về khánh kiệt kinh tế nhưng ba mẹ anh không thể mang về nguồn sáng cho con.

Từ đây, anh Tú không còn tin vào những giấc mơ. Mọi thứ thay đổi khi anh trở thành hội viên Hội Người mù tỉnh, được đến trường, rồi học nghề. Đây cũng là lúc những giấc mơ, hoài bão trở về. Giờ đây, anh Tú và vợ vẫn đang tiếp tục thực hiện giấc mơ của chính mình và nhiều người đồng cảnh khác.

Tìm thấy cơ hội trong doanh nghiệp

Sau khi được đào tạo nghề, nhiều cánh cửa đã mở ra cho người khuyết tật trên địa bàn. Không ít người đã tìm thấy vị trí cho mình trong các doanh nghiệp. Nơi đây, họ phát huy được năng lực, sở trường, trở thành những lao động có chất lượng, được mọi người tôn trọng.

Mở lối cho người khuyết tật. Bài 2: Để những cuộc đời nở hoa

Chị Nguyễn Thị Hằng (bên phải) đã tìm thấy niềm vui trong công việc tại Công ty May Hòa Thọ - Ảnh: T.L

Tại TP. Đông Hà, Công ty May Hòa Thọ đang trở thành mái nhà thứ hai của 60 công nhân khuyết tật. Ông Hoàng Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, ngay từ ngày đầu tuyển dụng lao động, lãnh đạo công ty đã xác định phương châm: “Không từ chối người khuyết tật”. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, người khuyết tật là lực lượng lao động tiềm năng. Hầu hết người khuyết tật đều có nghị lực phi thường, sự chăm chỉ và khéo léo.

Đặc biệt, nhiều người có “lợi thế” vì đã được đào tạo cơ bản ở các cơ sở dạy nghề, trường lớp. “Chúng tôi thường không mất quá nhiều thời gian để giúp một người khuyết tật làm quen với công việc. Họ đều tâm huyết với công việc, luôn nỗ lực cho ra đời những sản phẩm tốt nhất”, ông Trung nói.

Theo chân Chủ tịch Công đoàn Công ty May Hòa Thọ Hoàng Quang Trung đến thăm các phân xương, không khó để bắt gặp câu khẩu hiệu: “Vượt lên chính mình”. Trò chuyện thông qua mảnh giấy, chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại Phường 4, TP. Đông Hà cho biết, mình thường nhìn các câu khẩu hiệu và tự nhủ bản thân nỗ lực hơn. Từ khi sinh ra, may mắn đã không mĩm cười với chị Hằng. Chị không thể nói năng như người bình thường. Ngay khi mẹ mất, nỗi đau trong lòng chị cũng không thể phát ra thành tiếng.

Vì khiếm khuyết ấy mà chị Hằng luôn thu mình lại. Chị thường chạnh lòng cho rằng mình là “người ăn bám”. Để thay đổi điều đó, chị Hằng đã vượt qua mọi rào cản để tham gia các lớp học nghề. Năm 2007, hay tin Công ty May Hòa Thọ tuyển nhân viên, chị liền nộp đơn xin việc và được phân công vào tổ hoàn thành, chuyên gấp xếp áo quần.

Với sự cẩn thận, nhanh nhẹn, khéo léo, chị Hằng làm việc rất hiệu quả. Hằng tháng, thu nhập của chị nằm ở tốp đầu trong tổ. Chị Hằng chia sẻ: “Trước đây, em vẫn cho rằng mình là người bất hạnh. Từ lúc đi làm, em nhận ra bản thân may mắn hơn rất nhiều người. Vì thế, em luôn nỗ lực gấp đôi trong công việc và cuộc sống”.

Được biết, tại Công ty May Hòa Thọ, mọi chế độ, chính sách của người lao động khuyết tật hoàn toàn giống với công nhân bình thường. Cá nhân nào chăm chỉ, nỗ lực hơn sẽ được khen thưởng, có thu nhập tăng thêm. Đặc biệt, công ty tạo điều kiện để người khuyết tật nghỉ sớm hơn công nhân bình thường. Mỗi dịp lễ, tết hay khi ốm đau, người lao động khuyết tật đều được đại diện công ty đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ.

Ở Quảng Trị, Công ty May Hòa Thọ đã và đang là điển hình trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Mô hình này đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất học tập. Một số trường hợp còn tìm đến các đơn vị, cơ sở giáo dục, chẳng hạn như Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh để tìm kiếm lao động.

Cô Lê Thị Thúy Hoa, Hiệu trưởng Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, phần lớn học trò được hướng nghiệp nghề may ở trường chúng tôi đều có cơ hội việc làm. Đây chính là động lực để cán bộ, giáo viên nhà trường lẫn học sinh nỗ lực nhiều hơn”.

Nhân lên những nụ cười

Qua câu chuyện về cuộc đời nở hoa của anh Trương Khắc Vinh, Trần Ngọc Tú và chị Nguyễn Thị Hằng, có thể thấy, công tác dạy nghề, tạo việc làm đóng vai trò rất quan trọng, giúp người khuyết tật vượt lên số phận, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhờ có nghề mà nhiều người khuyết tật không chỉ nuôi sống bản thân mà còn lo được cho gia đình, giúp đỡ mọi người. Họ đã trở thành nguồn cảm hứng sống, mục tiêu phấn đấu của những người đồng cảnh khác.

Tuy nhiên, hiện nay, so với số lượng người khuyết tật trên địa bàn, tỉ lệ người khuyết tật có việc làm vẫn còn ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trước tiên là một bộ phận người khuyết tật vẫn mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Nhiều trường hợp thiếu thông tin về cơ hội việc làm. Một số người khuyết tật không nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình.

Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người khuyết tật vẫn chậm đi vào thực tiễn hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Vì nhiều lý do khác nhau, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn ngại ngần khi lựa chọn, tuyển dụng lao động khuyết tật.

Có nhà tuyển dụng còn đưa ra thỏa thuận với người khuyết tật về mức lương thấp hơn so với người bình thường. Một thực tế khác là công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật ở một số hội, đoàn thể, tổ chức vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để nhân lên những nụ cười, thiết nghĩ các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần có nhiều cơ chế, chính sách ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để tạo điều kiện cho người khuyết tật học nghề; hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc; tiếp sức cho người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Việc phát huy cao hơn nữa vai trò của hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong cung cấp thông tin nghề nghiệp; đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho người khuyết tật… là hết sức cần thiết. Trong điều kiện có thể, thiết nghĩ nên tổ chức các phiên giao dịch việc làm hướng đến người khuyết tật.

Một điều đáng lưu ý là để giải quyết việc làm cho người khuyết tật, chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Bản thân người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết; chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường lao động để nắm bắt cơ hội việc làm; luôn nêu cao tinh thần vượt khó… Khi vượt qua mọi rào cản và nhận được sự tiếp sức đầy trách nhiệm, chắc chắn cuộc đời của người khuyết tật sẽ nở hoa.

Tây Long

Tin liên quan:
  • Mở lối cho người khuyết tật. Bài 2: Để những cuộc đời nở hoa
    Mở lối cho người khuyết tật. Bài 1: Tín hiệu vui từ việc “trao cần câu”

    Không được khỏe mạnh, lành lặn, phần lớn người khuyết tật chìm sâu trong mặc cảm, tự ti. Với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan và tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã mở lối cho người khuyết tật thông qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nhiều mô hình hay đã được ghi nhận.


Tây Long

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đưa nghề về bản

Đưa nghề về bản
2022-12-19 07:21:00

QTO - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị đã được các cơ sở đào tạo...

Sức bật từ chương trình OCOP

Sức bật từ chương trình OCOP
2022-12-16 05:57:00

QTO - Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, toàn tỉnh đã có 91 sản phẩm đã được chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao. Đây không những là...

Thời tiết