Cập nhật:  GMT+7

Đưa kỹ thuật hiện đại vào cắt may trang phục truyền thống ở Hướng Lộc

Từ nhiều thế kỷ trước, người Vân Kiều ở miền Tây Quảng Trị đã biết dệt vải, thiết kế nên những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào nơi đây vẫn giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc đó. Để phù hợp với sự phát triển của thời đại mới, cùng với việc cải tiến trong kỹ thuật dệt thổ cẩm, phụ nữ xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa tích cực đưa kỹ thuật hiện đại vào cắt may trang phục truyền thống tạo nên những sản phẩm thẩm mỹ hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng.

Đưa kỹ thuật hiện đại vào cắt may trang phục truyền thống ở Hướng Lộc

Chị Hồ Thị Bông chăm chút từng đường kim, mũi chỉ để tạo nên những sản phẩm truyền thống đẹp, đáp ứng nhu cầu khách hàng -Ảnh: M.L

Hơn 4 năm trước, với vai trò là cô nuôi tại Trường PTDT bán trú TH và THCS Hướng Lộc, chị Hồ Thị Bông, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc biết được nhà trường thường xuyên có nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Vân Kiều, đặc biệt là thầy, cô giáo và học sinh nơi đây thường xuyên mang trang phục truyền thống trong các tiết học ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ...

Bên cạnh đó, nhu cầu mang trang phục truyền thống đẹp của người dân ở địa phương trong các dịp lễ hội, Tết truyền thống, cưới, hỏi... ngày càng nhiều. Ý tưởng góp sức tạo nên những bộ trang phục truyền thống đẹp đã khơi dậy trong chị Bông.

Vì vậy, chị sắp xếp thời gian theo học nghề may trang phục truyền thống. Là người khéo tay nên chỉ trong thời gian ngắn chị đã học được cách sử dụng máy may công nghiệp, máy vắt sổ, kỹ thuật cắt may váy, áo, đính nút, cườm, tạo họa tiết đẹp cho trang phục truyền thống của nam, nữ người Vân Kiều. Khi đã cắt, may thành thạo, chị quyết định đầu tư máy may, máy vắt sổ, mua sắm nguyên liệu, phụ liệu mở tiệm chuyên may trang phục truyền thống.

Quá trình tạo nên những sản phẩm cho khách, chị luôn tìm hiểu thêm những mẫu mã đẹp trên internet, sáng tạo cách tân thêm nếu khách có nhu cầu.

Trong mỗi bộ trang phục, chị chăm chút, tỉ mỉ, khéo léo từ đường cắt, từng đường kim, mũi chỉ... Chính nhờ vậy, chị đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống riêng biệt, không lẫn vào đâu được. Khách hàng của chị là cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh và người dân trên địa bàn xã.

“Là một người con của đồng bào dân tộc Vân Kiều, ngay từ nhỏ được thấy ông, bà, bố, mẹ tạo nên những bộ trang phục truyền thống bằng phương pháp thủ công nên tôi rất thích.

Sau này lớn lên, càng hiểu được giá trị, ý nghĩa của trang phục truyền thống nên tôi quyết tâm theo đuổi nghề may với mong muốn góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. May mắn, từ khi mở tiệm đến nay, tôi được nhiều người đến đặt hàng may. Nhờ vậy, tôi có cơ hội rèn luyện và phát huy tay nghề”, chị Bông nói.

Cũng như chị Bông, chị Hồ Thị Khay ở thôn Ta Xía, xã Hướng Lộc cũng có tình yêu đặc biệt với trang phục truyền thống nên đã tự tìm tòi, kiên trì học nghề cắt may và mở tiệm riêng phục vụ khách hàng ở địa phương.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào bộ trang phục truyền thống nên khi mang vào người, trang phục trở nên vừa vặn, dễ mặc và thẩm mỹ hơn. Với đôi tay khéo léo, may được nhiều kiểu áo đẹp và đa dạng, tiệm may của chị Khay thu hút nhiều khách hàng gần xa đến đặt hàng.

Chị Khay chia sẻ: “Kỹ thuật may trang phục truyền thống khá khó. Qua nhiều giai đoạn, mình phải nắm vững kỹ thuật cắt may để đo được số đo chuẩn; cắt vải cho khớp; đường may phải tinh tế... Nếu không tuân theo quy trình cắt may đó thì khi mình may bộ trang phục sẽ không đúng như ý của khách hàng. Do đó, tôi phải rất cẩn thận và tỉ mỉ để may sao cho bộ trang phục vừa đẹp, vừa phù hợp với từng yêu cầu của khách hàng”.

Trước đây, trang phục may thủ công của người Vân Kiều khá đơn giản, đàn ông chủ yếu đóng khố, áo chui đầu không có ống tay; phụ nữ chủ yếu sử dụng áo xẻ ngực (có tay hoặc không có tay), váy thường để nguyên cả tấm vải to không may, khi mặc quấn vào quanh thân, dùng một sợi dây vải buộc chặt ở thắt lưng. Màu trang phục truyền thống chung của nam và nữ là đen, đỏ. Hiện nay, trang phục truyền thống vẫn được người dân trên địa bàn huyện mặc nhiều trong sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ, Tết, cưới, hỏi...

Vì thế, việc ứng dụng kỹ thuật mới vào cắt may trang phục truyền thống là cần thiết. Theo kinh nghiệm của những thợ may trang phục truyền thống ở Hướng Lộc, để làm được bộ trang phục đẹp, người thợ may phải chọn được chất liệu vải đẹp; khéo léo và tỉ mỉ trong quá trình may, thêu các chi tiết. Trước kia, việc làm bộ trang phục của người Vân Kiều hoàn toàn khâu bằng tay thì nay thay thế bằng việc máy may nên rút ngắn thời gian, công sức của người thợ...

Đặc biệt, may bằng máy sẽ giúp trang phục đúng kích cỡ với người mặc hơn, có thể tạo ra nhiều mẫu theo ý khách. Không chỉ góp phần bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc, mà còn góp phần đem lại thu nhập ổn định cho gia đình thợ may.

Hiện nay, bình quân trang phục truyền thống của nữ có giá từ 300 - 600 nghìn đồng/bộ tùy theo chất liệu vải may, có những bộ áo váy cầu kỳ, đòi hỏi sự tinh xảo cao có giá hơn 1 triệu đồng/ bộ; áo nam có giá từ 200 - 300 nghìn đồng/chiếc phụ thuộc vào độ tinh xảo của hoa văn thêu trên áo... Trừ mọi chi phí, người thợ may thu nhập trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với chị em vùng khó, đảm bảo trang trải sinh hoạt phí hằng ngày của gia đình.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Lộc Võ Thị Yến cho biết: “Để khuyến khích ứng dụng kỹ thuật cắt may hiện đại vào trang phục truyền thống, thời gian tới, Hội LHPN xã tham mưu với cấp trên mở các lớp tập huấn, học nghề cắt may trang phục truyền thống tạo cơ hội cho nhiều chị em cùng tham gia.

Hội sẽ tìm các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ chị em mở rộng mô hình, giới thiệu, quảng bá sản phẩm may trang phục truyền thống ở địa phương rộng rãi như: qua trang mạng xã hội facebook, zalo, tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng... góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số người Vân Kiều, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ vùng khó”.

Ngọc Trang

Tin liên quan:
  • Đưa kỹ thuật hiện đại vào cắt may trang phục truyền thống ở Hướng Lộc
    Đưa trang phục thổ cẩm vào trường học

    Đến Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa, hình ảnh các em học sinh khoác lên mình những bộ trang phục thổ cẩm nhiều màu sắc như hút mắt người. Để có hình ảnh đẹp ấy, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực vận động, thắp lên tình yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho các em học sinh.

  • Đưa kỹ thuật hiện đại vào cắt may trang phục truyền thống ở Hướng Lộc
    Giữ gìn nghề truyền thống từ “lộc rừng”

    Bao đời nay, bên cạnh tập trung chăm lo phát triển kinh tế, người Vân Kiều ở thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa còn quan tâm duy trì nghề làm chổi đót của cha ông để lại. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà những năm qua, người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Ngọc Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Vấn nạn “quảng cáo rác”

Vấn nạn “quảng cáo rác”
2024-03-14 05:40:00

QTO - Dán, rải, treo tờ rơi rao vặt, quảng cáo ở khắp nơi trên đường phố làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị đã trở thành vấn nạn trong nhiều năm qua, với...

Người nghèo giúp nhau

Người nghèo giúp nhau
2024-03-13 05:35:00

QTO - Từ sự hỗ trợ ban đầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, năm 2021, 8 hội viên thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ đã có bò giống để...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết