Cập nhật:  GMT+7

75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước

NGUYỄN VĂN DÙNG, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị

75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá, văn học, nghệ thuật (VHNT), ngay từ khi ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã đề ra chủ trương phải phát triển nền văn hoá dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Có thể nói đây là cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về văn hoá, VHNT.

Sau chiến thắng thu - đông 1947, phá tan hai gọng kìm của quân Pháp hòng “cất vó” cơ quan đầu não kháng chiến của ta, Trung ương tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 7/1948 tại Đào Dã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương chủ trì hội nghị. Tại hội nghị này, đồng chí Trường Chinh trình bày bản báo cáo quan trọng: “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam”. Kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 7/1948 tạo tiền đề về nhận thức tư tưởng, chính trị, nhận thức để thành lập một tổ chức mới làm nòng cốt cho mặt trận văn hóa kháng chiến.

Với chủ trương đó, trong ba ngày 25, 26, 27 tháng 7/1948 tại làng Dọc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với sự có mặt của trên 80 đại biểu trong cả nước. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay) thông qua Điều lệ Hội và bầu cơ quan lãnh đạo gồm 17 người, đại diện cho phong trào văn nghệ kháng chiến cả nước, do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng thư ký. Với các quyết định lịch sử, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được xem như một đại hội và ngày 25/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Như vậy là sau 5 năm Hội Văn hóa Cứu quốc 1943 (tổ chức văn hóa cách mạng đầu tiên ra đời từ trong bí mật), một tổ chức mới của VHNT kháng chiến toàn quốc đã được thành lập, nhận lãnh trách nhiệm là một mặt trận VHNT đoàn kết, sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến, phụng sự Nhân dân.

Trải qua 75 năm sống và sáng tạo trong lòng cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân, các thế hệ văn nghệ sĩ nước ta đã xây dựng thành công nền VHNT cách mạng, yêu nước, dân tộc, nhân văn, khoa học và hiện đại, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho hàng nghìn văn nghệ sĩ tiêu biểu. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng hành trên dặm dài lịch sử, VHNT của cả nước, VHNT Quảng Trị đã đánh dấu những mốc son chói sáng góp phần làm nên diện mạo một vùng đất anh hùng. Chặng đường 75 năm, với các tên gọi và các phương thức tổ chức, hoạt động khác nhau, Hội VHNT Quảng Trị được thành lập và lớn mạnh theo thời gian.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhóm văn nghệ “Nguồn Hàn” đã tạo dựng và quy tụ những tên tuổi như Chế Lan Viên, Hồng Chương, Vĩnh Mai, Dương Tường ... khai mở dòng văn nghệ mới. Họ không chỉ khơi nguồn sáng tạo mãnh liệt phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng mà còn thu hút, vẫy gọi những văn nghệ sĩ mới tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc thù. Lớp văn nghệ sĩ chủ chốt này thực sự là ngọn đuốc truyền kỳ tiếp lửa cho đội ngũ hùng hậu trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước

Lãnh đạo tỉnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị - Ảnh: H. T.T

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Quảng Trị bị chia cắt tại dòng sông Bến Hải - Vĩ tuyến 17. Đặc khu Vĩnh Linh là tiền đồn chủ nghĩa xã hội, lực lượng văn nghệ sĩ nơi đây hoạt động hết sức sôi động, động viên sức người, của cải, phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Đội quân văn nghệ sĩ ở chiến trường Quảng Trị đã hăng hái tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện chiến tranh, động viên thúc giục quân dân tỉnh nhà cùng cả miền Nam chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công lẫy lừng như: Đường 9 - Khe Sanh, Dốc Miếu, Cồn Tiền, Thành Cổ Quảng Trị ...

Sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Quảng Trị sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Hội VHNT cũng thống nhất làm một. Đây là thời kỳ VHNT hội tụ sức mạnh, tiềm năng, khả năng, sức sáng tạo mới. Đã xuất hiện nhiều tài năng văn nghệ và nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Văn nghệ sĩ đã đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, lao động sáng tạo, xây dựng, phát triển quê hương.

Sau khi tỉnh Quảng Trị lập lại vào năm 1989, Hội VHNT tỉnh được thành lập theo Quyết định số 708QĐ-UB ngày 18/11/1992 của UBND tỉnh Quảng Trị. Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội trở thành “ngôi nhà chung” của những người lao động sáng tạo VHNT tự nguyện vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội VHNT một mặt luôn đặt nhiệm vụ tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ nhận lãnh sứ mạng cao cả phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân và phục vụ cách mạng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng

Mặt khác, thường xuyên tổ chức thực hiện các hoạt động sáng tác, biểu diễn, triển lãm, sưu tầm, nghiên cứu VHNT cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về các lĩnh vực chuyên ngành cho hội viên. Hội chú trọng hỗ trợ đầu tư chiều sâu để khích lệ, động viên các văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo. Luôn động viên phong trào cả bề rộng lẫn chiều sâu thông qua các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác và không ngừng tìm kiếm, phát hiện những tác giả mới, cây bút trẻ triển vọng kết nạp vào hội.

Điều đáng ghi nhận về một minh chứng sống động cho gương mặt văn nghệ tỉnh nhà là Tạp chí Cửa Việt thuộc Hội VHNT ra đời. Tạp chí Cửa Việt đã trở thành diễn đàn chính thức của văn nghệ sĩ Quảng Trị, là nơi ươm mầm cho nhiều tài năng sáng tạo của quê hương. So với chiều dài 75 năm, Tạp chí Cửa Việt ra đời muộn nhưng đã đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển và đổi mới. Tạp chí còn đảm nhận chức năng sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu bản sắc văn hóa Quảng Trị đến với bạn đọc cả nước và quốc tế. Từ đây, mọi giá trị truyền thống văn hóa và hiện thực đời sống đã được hội tụ và lan tỏa.

75 năm đồng hành với sự phát triển của đất nước, quê hương, đồng hành với VHNT cách mạng Việt Nam, VHNT Quảng Trị đã có bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện sáng tác văn học, lý luận, phê bình, trình diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc và quảng bá tác phẩm hết sức sinh động. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị ngày càng trưởng thành, từ chỗ vỏn vẹn chưa đến chục người thời chống Pháp, đến nay đã có 243 hội viên, trong đó có 79 hội viên các chuyên ngành trung ương.

Bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng cả nước và quốc tế biết đến trước đây như: nhà thơ Chế Lan Viên, Nghệ sĩ Nhân dân Châu Loan, nhạc sĩ Trần Hoàn, Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhân… VHNT tỉnh nhà ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi tài năng.

Đặc biệt, các hội viên Hội VHNT Quảng Trị qua các thời kỳ vinh dự có cố nhà văn Xuân Đức được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 hội viên được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT là: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng Thư ký Hội VHNT Quảng Trị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt; nhà thơ Lê Thị Mây, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt; nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT và họa sĩ Trịnh Hoàng Tân, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật thuộc Hội VHNT Quảng Trị. Hội cũng đã có 2 hội viên được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân là: Xuân Đàm và Kim Quý và 9 Nghệ sĩ Ưu tú, 8 Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài ra, Hội VHNT còn có các văn nghệ sĩ xuất sắc, có đóng góp lớn như: nhạc sĩ Lê Anh, cố nhà điêu khắc Hồ Uông, cố nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, cố Nghệ nhân Ưu tú Ái Chủng, cố Nghệ sĩ Ưu tú Sỹ Cừ, cố nhà văn Cao Hạnh, cố nghệ sĩ Xuân Lư, nhà thơ Hoài Quang Phương, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Mạnh Thi...

Tiếp bước thế hệ đàn anh, hiện nay Hội VHNT tỉnh có đội ngũ hội viên hùng hậu, rất sung sức như: Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Ngọc Chiến, Võ Văn Luyến, Minh Tứ, Nguyễn Hoàn, Nguyễn Hữu Thắng, Văn Xương, Đoàn Phương Nam, Lê Đức Dục, Trương Minh Dự, Võ Văn Hoa, Lê Đức Thọ, Đào Tâm Thanh, Trương Lan Anh, Hoàng Vĩnh Thắng, Phạm Hồng Phong, Xuân Vũ, Võ Thế Hùng, Trương Đình Dung...

Đáng mừng hơn, đã có một số tác giả trẻ nhiều tiềm năng, triển vọng xuất hiện trên diễn đàn VHNT nước nhà như: Hồ Thanh Thọ, Diệu Ái, Hoàng Công Danh, Diệu Hằng… Thành tựu Hội VHNT Quảng Trị đạt được trong 75 năm qua được Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ghi nhận, đánh giá cao, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành trung ương.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Hội VHNT Quảng Trị chung sức, đồng lòng làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tới hội viên quan điểm của Đảng về VHNT trong tình hình mới. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp cho các văn nghệ sĩ.

Khích lệ, động viên hội viên sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng, đạo đức, nghệ thuật cao, thấm đẫm tinh thần nhân văn, giá trị chân - thiện - mỹ, những tác phẩm có chiều sâu, có tính định hướng, dự báo và phản ánh sinh động cuộc sống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần phong phú của các tầng lớp nhân dân và đóng góp cho sự nghiệp VHNT nước nhà.

Đội ngũ văn nghệ sĩ cần tích cực, chủ động, nhạy bén, sáng tạo tổ chức hiệu quả các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT; tích cực tham gia sáng tác các tác phẩm có giá trị ca ngợi đất nước, quê hương và Nhân dân anh hùng của chúng ta; sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng chứa đựng nội dung và nghệ thuật nêu cao tinh thần đổi mới, hội nhập, phát triển.

Đặc biệt quan tâm khai thác chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; những thành tựu đạt được trong phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đề tài nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0; kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số; chủ đề đất và người Quảng Trị; tích cực tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị văn hoá gia đình Việt Nam; xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…

Chú trọng bảo tồn văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; quan tâm hơn nữa lĩnh vực lý luận phê bình và văn nghệ các dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng Tạp chí Cửa Việt trên cơ sở giữ vững định hướng của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, là tiếng nói của hội, là diễn đàn VHNT của tỉnh nhà. Tăng cường gắn kết hoạt động của hội với cộng đồng; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương; hợp tác với hội các tỉnh bạn để đa dạng hóa và làm phong phú hơn hoạt động của hội.

Thành tựu đạt được trong 75 năm qua của Hội VHNT Quảng Trị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong hệ thống chính trị của tỉnh. Nhân dịp này, Hội VHNT tỉnh bày tỏ lòng trân trọng biết ơn đối với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Quảng Trị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo, giúp đỡ, phối hợp đối với Hội VHNT tỉnh nhiều hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin liên quan:
  • 75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước
    Đồng hành với quê hương Quảng Trị

    Vĩnh Linh là huyện phía Bắc tỉnh Quảng Trị - mảnh đất “một thời hoa lửa” được mệnh danh là “lũy thép” với bao tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đã đi vào tâm thức, tình cảm, trở thành dấu ấn, kỷ niệm trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Trong hòa bình, xây dựng, miền quê đầu cầu giới tuyến ngày nào đã đột phá qua từng giai đoạn theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện phù hợp với tình hình của từng thời kỳ và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, vinh dự được Nhà nước phong ...

  • 75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước
    Báo chí đồng hành với sự phát triển của quê hương

    Năm 2022, đồng hành với sự vươn lên phát triển về mọi mặt của quê hương, báo chí Quảng Trị đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

  • 75 năm văn học, nghệ thuật Quảng Trị đồng hành với quê hương, đất nước
    Khi “đất lạ hóa quê hương”

    Tuy không sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị nhưng nhiều người đã chọn mảnh đất này để sinh sống, lập nghiệp. Với họ, Quảng Trị chính là nơi “đất lạ hóa quê hương”. Duyên nợ, ân tình với miền quê đầy nắng gió khiến họ thêm động lực để gắn bó, cống hiến nhiều hơn nữa cho Nhân dân, góp phần đưa Quảng Trị ngày càng phát triển.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết