(QTO) - Cuối mỗi năm, mỗi nhiệm kỳ, chúng ta nhìn lại những kết quả đạt được so với chỉ tiêu kế hoạch, nhằm đánh giá, ghi nhận việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, đề ra kế hoạch mới. Nhưng từ những con số này cũng có điều suy nghĩ.
Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Quảng Trị có 5/12 chỉ tiêu kinh tế quan trọng mới tiệm cận, không đạt so với kế hoạch, đó là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Loại trừ những yếu tố khách quan khó lường định như dịch bệnh, thiên tai, thì phải nói rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân đã phấn đấu cật lực nhưng một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt kế hoạch.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu như tốc độ tăng trưởng GRDP trên 7%, thu ngân sách của tỉnh đạt trên 3.600 tỉ đồng, trong khi theo kế hoạch của Tỉnh ủy và Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua trước đó thì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6,5 đến 7%, thu ngân sách của tỉnh đạt 3.450 tỉ đồng… Điều này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cao hơn nhiệm vụ của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, tự tạo “áp lực” cho mình cũng như các sở ngành, doanh nghiệp phải nỗ lực vượt bậc để đạt được mục tiêu đề ra.
Trong lúc đó, nhìn lại ở nhiều địa phương, đơn vị, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng, được xác định chính xác qua hệ thống tài chính thì đưa ra kế hoạch bằng hoặc thấp hơn số đã đạt trước đó (không tính các chỉ tiêu theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải giảm tỉ trọng và những chỉ tiêu xác định ước lệ, rất khó kiểm tra thì cao hơn). Việc xây dựng kế hoạch kiểu này đã mang tính “hệ thống”, vì không chỉ năm 2021 mà cả những năm về trước cũng vậy. Vấn đề đặt ra là vì sao xây dựng kế hoạch “thụt lùi”, ngược với quy luật của sự phát triển (!?).
Tạm phân tích, lý giải: Khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 hằng năm là cấp ủy, hội đồng nhân dân tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động trong năm, đưa ra kế hoạch của năm tiếp theo. Căn cứ số liệu đạt được đến thời điểm này, có ước tính thêm những ngày còn lại của năm, dự báo những thuận lợi, khó khăn để đưa ra kế hoạch cho năm tới. Tuy nhiên, những con số, nhất là số liệu tài chính, đặc biệt thu ngân sách tập trung nhiều vào những ngày cuối năm, vậy nên, dù đã được ước lượng trước nhưng vẫn luôn thấp hơn nhiều số thực tế đạt được, dẫn đến chỉ tiêu kế hoạch của cấp ủy, hội đồng nhân dân thường thấp. Thứ hai, để “an toàn” nên xây dựng kế hoạch theo hướng đánh giá thời gian tới sẽ khó khăn nhiều, thuận lợi ít, từ đó đưa ra chỉ tiêu thấp để dễ dàng hoàn thành “xuất sắc” nhiệm vụ- điều mà lãnh đạo, cán bộ luôn mong muốn (có lẽ là lý do chính). Lập luận này được minh chứng qua thực tế nhiều địa phương, đơn vị ít khi không đạt hoặc đạt đúng mức kế hoạch các chỉ tiêu tài chính, mà luôn vượt, thậm chí vượt rất xa, có khi vượt đến trên 150% (!). Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch thấp đôi khi còn là “thủ thuật”, vì lợi ích cục bộ.
Trao đổi thêm: Số kế hoạch là con số mang tính “chủ quan”, do tự đặt ra là chính (cũng có số kế hoạch do cấp trên giao nhưng giao bao nhiêu lại là một chuyện và xin không bàn ở đây). Xây dựng kế hoạch có ý nghĩa đề ra mục tiêu nhằm để cố gắng, để nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn thách thức, phát huy, tận dụng triệt để thuận lợi để phát triển, nhằm đạt được kết quả cao nhất có thể - như số kế hoạch của tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020 và chỉ tiêu năm 2021 của UBND tỉnh nói trên. Việc đưa ra kế hoạch thấp, chưa cần nỗ lực cũng đã dự đoán sẽ đạt hoặc vượt, để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thì suy cho cùng kế hoạch đó không có ý nghĩa. Nghĩ sâu hơn, từ kế hoạch của tỉnh và của một số địa phương, đơn vị cho thấy hai lối tư duy khác nhau. Một tự giao nhiệm vụ khó khăn, tự tạo áp lực để phải nỗ lực, với mục tiêu là làm được gì cho địa phương, đất nước, tạo ra được nhiều của cải cho xã hội mới quan trọng; đồng thời chấp nhận có thể bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ (nếu không đạt kế hoạch). Một ngược lại - sẽ rất ít rủi ro cho tập thể, cá nhân, được biểu dương, khen ngợi, nhưng cũng đi kèm với hiệu quả kinh tế- xã hội mang lại sẽ thấp hơn.
Là lãnh đạo, cán bộ thì phải có “dũng khí”, dám đặt ra kế hoạch cao, dám làm, dám chịu vì sự phát triển của xã hội- đó là mục tiêu, mong đợi của Nhân dân, chứ không phải sự hoàn thành kế hoạch do mình tự đặt ra.
Tùng Lâm
Design by Trung tâm CNTT&TT Quảng Trị